Quay Quắt Với Quy Hoạch Treo – Vùng Quy Hoạch Dự án Khu Đô thị Tây Bắc – Củ Chi ,Thoát “Treo” Còn Hơn Trúng Số !!

“Nhà cửa xuống cấp, muốn xây mới không được, mà cơi nới cũng chẳng xong, đất đai muốn bán cũng chẳng được. Giờ chúng tôi mong được “giải treo” còn hơn trúng vé số…”

Ðó là chia sẻ của rất nhiều người có nhà cửa, vườn tược nằm trong vùng quy hoạch dự án Khu đô thị Tây Bắc, dự án Công viên Sài Gòn Safari, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm hay dự án cải tạo rạch Văn Thánh ở TP HCM.

Hơn 20 năm, dự án Khu đô thị Tây Bắc vẫn là những bãi đất trống thênh thang trải dài từ huyện Hóc Môn đến Củ Chi, TP HCM. Ảnh: THU HỒNG
Hơn 20 năm, dự án Khu đô thị Tây Bắc vẫn là những bãi đất trống thênh thang trải dài từ huyện Hóc Môn đến Củ Chi, TP HCM. Ảnh: THU HỒNG

Mỏi mòn giữa 2 đại dự án

Từ ngã tư An Sương theo Quốc lộ 22 hướng về tỉnh Tây Ninh, khu đô thị Tây Bắc TP HCM nằm bên trái hành lang Quốc lộ 22, kéo dài từ xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn đi qua các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, thị trấn Củ Chi, Phước Hiệp và Thái Mỹ (huyện Củ Chi). Ngay chân cầu An Hạ, dọc con kênh nhánh của kênh An Hạ (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) là khu dân cư nằm trong vùng quy hoạch “treo” với hơn 100 hộ dân sinh sống từ lâu đời. Chúng tôi ghé vào nhà ông Nguyễn Tâm (ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì) hỏi thăm hoàn cảnh sống thì ông tuôn một tràng thở than: “Mỗi năm cứ nhằm tháng triều cường lên cao thì nước từ kênh tràn vào nhà lênh láng, đồ đạc hư hỏng hết. Tuy sốt ruột nhưng nghĩ đến cảnh nhà không giấy tờ lại thuộc quy hoạch “treo”, bỏ số tiền lớn ra sửa chữa sẽ rất phí nên nhiều năm nay, cả nhà tôi bấm bụng chịu đựng, chứ kêu hoài cũng chẳng được gì”.

Không chỉ nhà ông Tâm, hàng chục căn nhà cấp 4 gần đó cũng tuềnh toàng, xuống cấp, mỗi khi triều cường lên, nước tràn vào nhà nhưng cư dân đành chịu đựng. “Tôi không còn gì để mong ngoài việc sớm thoát quy hoạch “treo” – bà Tư, gần nhà ông Tâm, buồn bã nói.

Qua cầu An Hạ, chúng tôi đến xã Tân Phú Trung, nhiều người khi được hỏi đến khu đô thị Tây Bắc đều ngán ngẩm. “Cứ ngỡ khu vực này trở thành khu đô thị vệ tinh, đời sống người dân sẽ sung túc hơn, con cháu có công ăn việc làm ổn định nhờ các dịch vụ đi kèm nhưng nào ngờ quy hoạch “treo” hơn 20 năm qua khiến nhà cửa, ruộng đất xuống giá. Bên kia quốc lộ, giá đất cao gấp đôi, gấp ba bên này. Vừa rồi, tôi kêu bán miếng đất 1.000 m2 để chia cho con cái có chút vốn làm ăn nhưng “cò” ép giá quá nên không bán. Ðiều này đồng nghĩa với việc cả nhà tiếp tục sống lay lắt, không lối thoát” – giọng lão nông Nguyễn Văn Ba (ngụ ấp Bến Ðò, xã Tân Phú Trung) đượm buồn. Ðến các xã Thái Mỹ, Phước Hiệp, quy hoạch khu đô thị “treo” nhiều năm đã khiến đời sống kinh tế của người dân giậm chân tại chỗ bởi đất đai dù rộng thênh thang nhưng không thể xây dựng nhà xưởng, nhà trọ để tăng thu nhập. “Trồng trọt nhiều khi thâm vốn nên đành bỏ đất hoang. Càng nhìn càng thấy quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch “treo” quá thiệt thòi” – anh Thanh (ngụ xã Thái Mỹ) bức xúc nói.

Nỗi bức xúc, buồn bã của ông Tâm, bà Tư, ông Ba hay anh Thanh cũng là tâm trạng chung của 60.000 người bị ảnh hưởng trên diện tích 1.674 ha thuộc dự án Khu đô thị Tây Bắc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998.

Cũng thuộc huyện Củ Chi, cách khu đô thị Tây Bắc khoảng 8 km là dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, “treo” hàng chục năm nay, ảnh hưởng gần 800 hộ dân. Là một trong những hộ dân nhận tiền đền bù từ năm 2005, bà Nguyễn Thị Tươi (ngụ ấp Bàu Ðưng, xã An Nhơn Tây) nhớ lại khi dự án đi qua, thửa ruộng 8.600 m2 của bà được nhà nước bồi thường với giá chỉ 60.000 đồng/m2, tổng số tiền nhận được khoảng 510 triệu đồng. Thế nhưng, 16 năm trôi qua, dự án vẫn chưa thành hình, thửa ruộng của gia đình bà vẫn chỉ là khu đất trống, cỏ dại mọc um tùm, quá lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Trai (ngụ xã An Nhơn Tây) cho rằng dịch bệnh đã khiến đời sống người dân càng khó khăn. “Chúng tôi đề xuất nhà nước nhanh chóng thực hiện dự án để người dân có thêm sinh kế, cải thiện cuộc sống, bù đắp phần nào những thiệt thòi khi nhường đất cho dự án đi qua” – ông Trai mong mỏi.

Theo ông Nguyễn Út, con rạch Cầu Bông (thuộc hệ thống rạch Xuyên Tâm) ô nhiễm đã trở thành hang ổ của chuột. Ảnh: Ý LINH
Theo ông Nguyễn Út, con rạch Cầu Bông (thuộc hệ thống rạch Xuyên Tâm) ô nhiễm đã trở thành hang ổ của chuột. Ảnh: Ý LINH

Ô nhiễm nặng nề 

Chạy dọc con đường Ðiện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM) rộng thênh thang, với hai bên đường mọc lên những dãy nhà cao tầng khang trang, hiện đại, ít ai có thể hình dung len sâu vào những con hẻm trên tuyến đường này vẫn tồn tại những “xóm nước đen”, những khu nhà trọ ẩm thấp, người dân vẫn dùng “cầu tõm”, nước giếng khoan… Còn rác, nước thải, chất thải đều được xả thẳng xuống con rạch phía sau nhà.

Ngồi trước lối ra vào của khu nhà trọ, ông Nguyễn Út xì xụp húp chén cháo nóng, than thở: “Ngồi trong phòng hôi quá nên tôi ra đây. Tôi về đây được 1 tháng rưỡi là bệnh gần 1 tháng. Trong người lúc nào cũng khó chịu, mệt mỏi, mấy bữa nay còn tiêu chảy. Mệt lả người”. Khu trọ nơi ông Út trú ngụ nằm bên cầu dân sinh bắc qua rạch Cầu Bông (thuộc hệ thống rạch Xuyên Tâm) nối đường Nguyễn Xuân Ôn và Ðiện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh). Ðặt chân đến đây, người chưa quen phải thốt lên: “Chịu không nổi!”, bởi bao trùm bầu không khí xung quanh là mùi hôi thối nồng nặc. Nhưng đây không phải là cảnh sống cá biệt. Con rạch ô nhiễm trở thành hang ổ lý tưởng của chuột. Ông Út kể ngoài mưu sinh, ông còn tìm đủ cách để… diệt chuột nhưng chẳng xuể. Chuột tràn vào nhà, ăn vụng thức ăn, cắn xé đồ đạc và cắn tóe máu cả chân tay trẻ con lẫn người lớn lúc đang ngủ.

Nhiều người chịu không nổi phải chuyển đi nhưng số còn lại gần như chấp nhận sống chung với chuột vì không còn cách nào khác. Ông Út nhận mình là “dân gốc Bình Thạnh”. Năm 2001, ông xách ba-lô rời con rạch gắn bó cả tuổi thơ để về quận Bình Tân sinh sống. Bấy giờ, thấy cán bộ xuống đo vẽ, ghi chép thực trạng con rạch và ven bờ, ông Út tặc lưỡi tiếc nuối vì nghe đâu dòng nước này sẽ được cải tạo đẹp đẽ hơn. Trong khi đó, hơn chục hộ dân sống xung quanh không khỏi hồ hởi trước viễn cảnh đổi đời bên con nước. Nhưng từ đó đến nay, trong khi con rạch ngày một đen kịt, mặt nước thu hẹp dần bởi số người ngụ cư đổ về càng đông, còn dự án cải tạo vẫn nằm yên trên giấy.

Nghe chúng tôi nhắc đến dự án cải tạo con rạch, bà Lê Thị Tám (ngụ phường 15, quận Bình Thạnh) lắc đầu ngao ngán: “Con rạch lận đận, tụi tui cũng lao đao”. Bà Tám là dân “cố cựu”, sống bằng nghề bán chè hơn 20 năm tại xóm nhỏ này. Bà Tám kể khách của bà chủ yếu là người dân xung quanh xóm bởi khách vãng lai có ghé cũng chẳng ai muốn ngồi ăn chè trong không gian bốc mùi nồng nặc. “Nhiều người còn sợ tôi dùng nước giếng khoan để nấu chè. Nhiều quán ăn gần đây cũng chung cảnh khổ. Quán mở chủ yếu bán cho người cùng xóm, hiếm khi có người lạ vào nên thu nhập chẳng được bao nhiêu”.

Chuyện buôn bán ế ẩm cũng chưa khiến bà Tám phiền lòng bằng việc căn nhà xuống cấp đã nhiều năm mà chẳng dám xây lại. Trời mưa thì dột tứ bề, trời nắng thì vợ chồng, con cái dắt díu nhau ra quán chè nhỏ trước nhà vì không chịu nổi cái nóng oi bức hơn 40 độ C trong căn nhà 40 m2 lợp tôn. “Vợ chồng tôi tích cóp được chút đỉnh nhưng không dám xây sửa gì. Bây giờ, nhà dột chỗ nào vợ chồng tôi “vá” chỗ đó, sụp chỗ nào đắp lại chỗ đó thôi. Bởi lỡ năm trước xây, năm sau giải tỏa thì coi như trắng tay” – bà Tám nói.

Cảnh khổ của ông Út, bà Tám không phải cá biệt. Chạy dài hơn 6,2 km dọc con rạch Xuyên Tâm đi qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, môi trường sống ô nhiễm nặng, hạ tầng xuống cấp trầm trọng đã ám ảnh những thế hệ người dân sinh sống tại đây.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Chung cảnh chờ “hồi sinh”, gần 20 năm qua, con rạch Văn Thánh cũng nhiều phen lận đận vì những lần dự án cải tạo rục rịch rồi lại “mất tăm”.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê-tông trải quanh khu phố, bà Ðặng Thị Tuyết Nhung (Tổ trưởng tổ dân phố 64, khu phố 7, phường 22, quận Bình Thạnh) kể hằng năm, người dân ở đây vẫn đóng thuế sử dụng đất đầy đủ nhưng không làm được sổ hồng. Nhiều người đến đây mua đất, xây nhà, sinh con đẻ cái đã 15 năm nhưng hồ sơ đăng ký cấp sổ hồng đến nay vẫn không được giải quyết. “Do không làm được sổ hồng nên nhiều người đã bán đất, bán nhà bằng giấy tay. Sau đó, họ lại tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho người khác khiến tình hình trở nên rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện gây bất ổn xã hội” – bà Nhung nói.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Giới thiệu web hay

Đăng Ký Nhận Tư Vấn

Để nhận được tư vấn cụ thể cho từng BĐS, vui lòng để lại số điện thoại lại bên dưới.

    thong-bao-bct
    0919.39.1239
    Scroll to Top