Sài Gòn Safari

Củ Chi, Hóc Môn – Vùng Đất ”Nhiều Dự Án Treo”

Nhiều dự án lớn được quy hoạch, kêu gọi đầu tư nhưng không thể triển khai, khiến hai huyện Tây Bắc TP HCM chưa phát triển, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Hai huyện cửa ngõ Tây Bắc TP HCM giáp Tây Ninh, Bình Dương và Long An. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Hơn 20 năm trước, hàng chục nghìn hộ dân ở huyện Củ Chi, Hóc Môn dọc theo quốc lộ 22 vui mừng khi thông tin dự án Khu đô thị Tây Bắc, rộng hơn 6.000 ha, sẽ triển khai. Dự án định hướng thành một trong những khu đô thị vệ tinh với nhiều khu thương mại, tài chính, dịch vụ, y tế, giáo dục, khu đô thị… được kỳ vọng thay đổi bộ mặt phía Tây Bắc TP HCM.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, khu đô thị này vẫn nằm trên giấy. Suốt nhiều năm thành phố kêu gọi đầu tư nhưng dự án chưa thể triển khai. Hệ quả là hơn 56.000 hộ dân ở Củ Chi và Hóc Môn bị ảnh hưởng bởi quy hoạch treo nhiều năm. Họ không thể sửa chữa, xây dựng nhà cửa dù nhu cầu rất bức thiết. Cuối năm ngoái, chính quyền TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho dự án điều chỉnh giảm 1.670 ha để gỡ vướng cho người dân xây cất, sửa chữa nhà ở…

Không chỉ Khu đô thị Tây Bắc, nhiều dự án đô thị, khu dân cư khác có quy mô lớn tại Hóc Môn, Củ Chi cũng trong tình trạng “treo” suốt thời gian dài. Điển hình như Khu đô thị An Phú Hưng (huyện Hóc Môn), rộng gần 700 ha, được giao đất để đầu tư từ năm 2004 với kỳ vọng trở thành “Phú Mỹ Hưng thứ hai”. Thế nhưng sau hơn 10 năm không thể đền bù giải toả, năm 2016, UBND TP HCM quyết định xoá bỏ dự án này.

Khu đô thị Đại học quốc tế rộng 924 ha tại huyện Hóc Môn (thuộc Khu đô thị Tây Bắc) cũng trong tình trạng không thể giải phóng mặt bằng để thực hiện dù được cấp phép từ năm 2008. Hay một dự án “khủng” khác là công viên Sài Gòn Safari rộng 457 ha ở huyện Củ Chi, với tổng mức đầu tư 500 triệu USD, gần 20 năm qua chưa hoàn thành, bị kết luận sai phạm và phải tìm nhà đầu tư mới.

Dự án Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi bị bỏ hoang suốt nhiều năm. Ảnh: Trung Sơn

Cũng vì lý do chậm trễ triển khai nhiều năm, ảnh hưởng hàng nghìn hộ dân, giữa năm ngoái UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng đưa ra khỏi quy hoạch ba dự án khu công nghiệp là Bàu Đưng, Phước Hiệp ở Củ Chi, Xuân Thới Thượng ở Hóc Môn với tổng diện tích hơn 700 ha…

KTS Ngô Anh Vũ, Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng TP HCM, chỉ ra việc hai huyện cửa ngõ phía tây thành phố trong thời gian dài “không phát triển”, nhiều dự án bị “treo” vì thiếu nguồn lực đầu tư. Những năm qua, phần lớn nguồn lực nhà nước và thành phố tập trung vào hướng Đông và Nam, còn phía Tây Bắc còn nhiều điểm nghẽn. “Có vốn mồi của nhà nước đương nhiên sẽ thu hút doanh nghiệp về những nơi tiềm năng sinh lời nhanh nhất”, ông Vũ nói.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông ở khu vực này còn yếu kém là nguyên nhân khiến nhà đầu tư e ngại khi rót vốn vào đây. Các trục đường chính ở hai huyện như quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, 9, 12… đã quá tải và kém an toàn. Chưa kể, phần lớn hệ thống giao thông tại khu vực chủ yếu là đường nông thôn, nhỏ, hẹp, lạc hậu so với nhu cầu nên từ trung tâm TP HCM đến trung tâm huyện Củ Chi khoảng 30 km, nhưng xe đi mất hàng giờ.

Ngoài trục chính và độc đạo là quốc lộ 22, khu vực Tây Bắc thành phố còn được quy hoạch bốn trục giao thông chính là vành đai 3, 4, cao tốc TP HCM – Mộc Bài và Metro Số 2. Tuy nhiên, các tuyến đường này đến nay số còn trên giấy, số chưa hoàn thành do khó khăn về nguồn vốn, giải toả mặt bằng.

Hầm chui nút giao thông An Sương nhánh N2 hướng huyện Củ Chi đi trung tâm Thành phố Tp.Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Hầm chui nút giao thông An Sương nhánh N2 hướng huyện Củ Chi đi trung tâm Thành phố Tp.Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Quốc lộ 22, tuyến độc đạo nối khu Tây Bắc với trung tâm TP HCM quá tải nhiều năm nay. Ảnh: Thái Anh

Ở góc độ địa phương, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên nói một trong những lý do khiến nhiều dự án ở địa phương chậm trễ, khó triển khai, xuất phát từ công tác quy hoạch chưa phù hợp. Hiện, quy hoạch của huyện được phê duyệt từ năm 2010 đã không sát thực tế, và cũng chưa dự báo sự phát triển của địa phương trong tương lai.

Ông Khuyên dẫn chứng Hóc Môn rộng khoảng 11.000 ha mà có tới 36 đồ án quy hoạch là quá nhiều. Có những khu đất phải gánh đến bốn lớp quy hoạch khác nhau, “tháo lớp này lại vướng lớp kia”, gây khó cho nhà đầu tư. Hay như khu vực xã Nhị Bình ở huyện vừa mang hình hài du lịch sinh thái, vừa mang dáng dấp nông nghiệp nhưng lại quy hoạch đô thị khiến địa phương “không làm được gì”.

Thời gian qua, Hóc Môn đã giới thiệu và mời gọi đầu tư 23 dự án với tổng diện tích khoảng 2.600 ha và có 26 doanh nghiệp đăng ký quan tâm. Tuy nhiên, các dự án này chỉ có thể thành hình nếu quy hoạch được điều chỉnh đúng chức năng.

Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho rằng TP HCM cần sớm điều chỉnh toàn bộ quy hoạch chung để phủ và triển khai quy hoạch 1/2000. Đây không chỉ giải quyết các vướng mắc phát triển của Củ Chi, mà còn giúp quản lý, sử dụng đất đai, hạn chế tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép.

Bởi, theo ông Thắng nếu không ngăn chặn kịp thời, Củ Chi sẽ phát sinh tình trạng như một số quận, huyện khác. Tốc độ đô thị hoá nhanh dẫn đến hình thành các khu dân cư nhếch nhác, phá vỡ quy hoạch, không hấp dẫn nhà đầu tư, kêu gọi nhưng không ai tới; hoặc sẽ thu hút những nhà đầu tư không mong muốn, chỉ đến mua đất nhằm phân lô bán nền, phá vỡ quy hoạch.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *