Quốc lộ 22 đi qua Khu đô thị Tây Bắc và Mộc Bài - Tây Ninh, nối liền Campuchia

Covid-19, lưu thông hàng hóa, hỗ trợ, chống dịch, cửa khẩu, quốc tế

 Khi quỹ đất nội thành ở TP.HCM ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp bất động sản sẽ đi tìm vùng đất mới, theo dự báo của các chuyên gia, Khu đô thị Tây Bắc là vùng đất được các doanh nghiệp bất động sản tìm về “săn” quỹ đất trong tương lai không xa.

Quỹ đất dồi dào

Thị trường bất động sản huyện Củ Chi và Hóc Môn (TP.HCM) lâu nay như “ngủ quên”, nằm ngoài dòng chảy sôi động, thiếu vắng các dự án BĐS được đầu tư bài bản. Song, với việc TP.HCM quy hoạch lại hướng phát triển từ phía Nam sang phía Tây đã kéo theo nhiều nhà đầu tư về “săn” quỹ đất nơi đây. Với tiềm năng và nội lực hiện hữu sẽ giúp Khu đô thị Tây Bắc này “lột xác” trong tương lai gần là rất khả thi. Với địa thế cao ráo, quỹ đất dồi dào, giá mềm hơn hẳn các khu vực khác ở TP.HCM; khu vực này còn được thiết kế hệ thống giao thông liên kết vùng hoàn chỉnh.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), dân số ở TP.HCM ngày một tăng, quỹ đất khu vực phía Nam, phía Đông TP.HCM không còn nhiều. Ngược lại, quỹ đất phía Tây Bắc còn rất lớn. Cụ thể, diện tích gồm 17 quận và TP. Thủ Đức cộng lại chỉ hơn 90% diện tích đất của 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi, đây chính là cơ hội phát triển đến với Khu đô thị Tây Bắc trong tương lai gần.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, TP.HCM muốn phát triển nhanh nên đã chọn trục phát triển hướng Đông và hướng Đông Nam ra biển, nhưng gần đây, biến đổi khí hậu diễn ra, nhiều khu vực ở TP.HCM trực tiếp bị ảnh hưởng. Theo quan trắc thực tế, khu vực Tây Bắc TP.HCM có bề mặt cao hơn so với mặt nước biển khoảng 15 m. Về địa chất, khu vực này là đất phù sa cổ nên nền đất kết cấu cứng hơn các vùng ven biển, đầm lầy, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển mọi lĩnh vực về lâu dài.

HoREA vừa có Văn bản kiến nghị UBND TP.HCM và Trung ương về bổ sung Quy hoạch thành phố Tây Bắc trên cơ sở hợp nhất huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Mô hình tương tự như hợp nhất quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành TP. Thủ Đức. Để thực hiện hóa ý tưởng này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc cần làm sau khi có đầy đủ quy hoạch là phát triển hạ tầng như: nâng cấp Quốc lộ 22, xây dựng cao tốc TP.HCM về Mộc Bài – Tây Ninh và tuyến metro…, từ đó mới có cơ sở thu hút được nhà đầu tư đổ về đây. Mô hình TP. Thủ Đức và Khu đô thị Tây Bắc đang được đề xuất gần như có điểm chung là trở thành khu đô thị độc lập, có quyền tự quyết…, điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM cao hơn.

“Khi quỹ đất nội thành TP.HCM không còn nhiều thì cơ hội sẽ đến nhiều hơn đối với Khu đô thị Tây Bắc. Ngoài ra, khu khu vực này phát triển sẽ giúp TP.HCM tái bố trí dân cư ổn định hơn”.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA.

Quốc lộ 22 đi qua Khu đô thị Tây Bắc và Mộc Bài - Tây Ninh, nối liền Campuchia
Quốc lộ 22 đi qua Khu đô thị Tây Bắc và Mộc Bài – Tây Ninh, nối liền Campuchia

Thu hút đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế, những năm qua, huyện Củ Chi và Hóc Môn phát triển chủ yếu về nông nghiệp, chăn nuôi… manh mún. Khu vực này muốn trở thành một đô thị lớn, thu hút lượng dân cư đổ về thì giao thông công cộng và liên kết vùng phải được triển khai xây dựng đồng bộ. Ngoài ra, cần phát triển công nghiệp để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và dân tứ xứ tìm đến mưu sinh.

Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam nhận định: “Khu đô thị Tây Bắc vốn đã nằm trong quy hoạch của TP.HCM từ lâu. Tuy nhiên, do chưa có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng ở khu vực này nên nhà đầu tư vẫn đang dồn về khu Đông nhiều hơn. Xét về yếu tố dịch chuyển cơ học thì nơi nào có công ăn việc làm, giải quyết tốt bài toán an cư, đồng bộ với phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng, tiện ích… thì nơi đó sẽ thu hút nhà đầu tư và kể cả người có nhu cầu ở thực”.

Cũng theo ông Sử Ngọc Khương, khu Tây Bắc TP.HCM mặc dù có lợi thế là quỹ đất rộng, nhưng hạ tầng phát triển chậm, chưa đồng bộ. Có thể sắp tới, 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi sẽ có nhiều dự án quy mô tầm cỡ khi hạ tầng được đầu tư bài bản hơn. Thời gian qua, do những lấn cấn về mặt pháp lý nên hầu hết nhà đầu tư đã có xu hướng giãn ra các đô thị vệ tinh như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, khi cơ chế được tháo gỡ, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chắc chắn các khu vực thuộc địa phận TP.HCM như khu Tây Bắc vẫn sẽ thu hút nhà đầu tư mạnh mẽ.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng: “Những năm gần đây, doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá khu vực Tây Bắc TP.HCM gồm: 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi sẽ phát triển mạnh, có không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ về đây gom nhiều quỹ đất lớn để thực hiện các dự án trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, do chính sách còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, do đó thị trường bất động sản nơi đây vẫn chưa sẵn sàng nên nhiều kế hoạch phát triển của doanh nghiệp tạm thời phải gác lại”.

Cũng theo ông Trần Nguyên Đán, trong tương lai gần, với áp lực về tốc độ gia tăng dân số cơ học, nhu cầu nhà ở, chắc chắn khu vực Tây Bắc TP.HCM sẽ có sự biến chuyển mạnh mẽ hơn. Lãnh đạo TP.HCM cũng đã ban hành các chính sách siết chặt pháp lý các dự án tại trung tâm dẫn đến khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Doanh nghiệp, nhà đầu tư… đã bắt đầu “rẽ hướng” qua các khu vực lân cận như Tây Bắc, bởi quỹ đất dồi dào chưa được khai thác và giá đất thấp so với các khu vực khác.

“Thị trường bất động sản khu vực Tây Bắc TP.HCM còn nhiều tiềm năng phát triển, dự báo giá đất trong vài năm nữa sẽ tăng mạnh khi toàn bộ hạ tầng đô thị và giao thông được hoàn thành và đưa vào vận hành”.

Ông Trần Nguyên Đán – Chuyên gia kinh tế

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *