Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng huyện Củ Chi, Hóc Môn cần quy hoạch theo hướng liên kết, phát triển vùng đồng thời tham khảo mô hình của TP Thủ Đức.
Sáng 14/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 10 (TP.HCM), có buổi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại huyện Củ Chi. Ngoài điểm cầu chính là Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Củ Chi, buổi tiếp xúc được kết nối trực tuyến đến 21 xã, thị trấn trên địa bàn.
Trong gần một giờ chia sẻ về chương trình hành động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự quan tâm đến việc tháo gỡ những vướng mắc trên địa bàn đang ảnh hưởng đến đời sống người dân và cản trở sự vươn lên của huyện Củ Chi, Hóc Môn.
“Huyện Hóc Môn, Củ Chi đã có bước phát triển mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để đến năm 2030-2045, hai huyện trở thành đô thị sinh thái, là đối trọng về phát triển đối với 14 quận nội thành”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
“Tôi thấu hiểu khó khăn của người dân”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông tin hiện nay, huyện Củ Chi có nhiều xã chịu ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của Khu đô thị Tây Bắc. Trong đó, cuộc sống người dân các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Khu đô thị này hơn 10 năm nay chưa triển khai theo quy hoạch. Trên cương vị Chủ tịch nước, tôi thấu hiểu khó khăn của người dân khi tách thửa, cấp phép xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất…”, Chủ tịch nước nói.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định ngoài việc lãng phí cơ hội phát triển của huyện, việc chậm quy hoạch đến hơn 10 năm còn ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng người dân. Ông cam kết sẽ chỉ đạo các cấp chính quyền rà soát lại khu đô thị này và triển khai sớm nếu quy hoạch còn phù hợp.
Cần làm nhiều hơn nữa để đến năm 2030-2045, hai huyện Củ Chi, Hóc Môn trở thành đô thị sinh thái, là đối trọng về phát triển đối với 14 quận nội thành
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
“Khu đô thị Tây Bắc là vấn đề các cấp lãnh đạo của TP.HCM cần tập trung tháo gỡ. Tháo gỡ để bà con an tâm tư tưởng, tiếp tục sinh sống, phát triển, gắn bó với địa phương”, người đứng đầu Nhà nước lưu ý.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá giao thông là điểm nghẽn lớn nhất của huyện Củ Chi trong quá trình phát triển. Dù toàn địa bàn huyện có 1.600 tuyến đường nhưng chủ yếu là đường nhỏ, đường nông thôn.
“Khi đường bộ, đường sông, đường sắt được kết nối, mở rộng thì Củ Chi, Hóc Môn sẽ phát triển không kém gì khu vực trung tâm. Chúng ta cần có tầm nhìn, nguyên vọng này để dồn sức, tháo nút thắt của 2 huyện ngoại thành còn gặp nhiều khó khăn”, Chủ tịch nước khẳng định.
Mô hình liên kết phát triển vùng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông tin đối với tầm nhìn 2030-2045, huyện Củ Chi, Hóc Môn sẽ hình thành đô thị sinh thái để làm đối trọng với các quận nội thành. Trong đó, Khu đô thị Tây Bắc là động lực chính để phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Do nằm tại khu vực cửa ngõ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và có các tuyến vành đai 3, 4 đi qua, ông cho rằng huyện Củ Chi, Hóc Môn cần quy hoạch theo mô hình liên kết phát triển vùng.
“TP.HCM có thể nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cơ chế về hành chính hay phân cấp, phân quyền như đã từng làm với TP Thủ Đức. Tinh thần năng động, sáng tạo và vai trò người dân cũng cần được phát huy trong giai đoạn tiền đô thị này”, Chủ tịch nước định hướng.
Về phát triển kinh tế tại huyện Củ Chi, Hóc Môn thời gian tới, ông Phúc cho rằng không nên tiếp tục theo đuổi sản xuất nông nghiệp năng suất thấp. Hai huyện cần phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Củ Chi, Hóc Môn không nên tiếp tục theo đuổi sản xuất nông nghiệp năng suất thấp
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Trong chương trình hành động của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn bày tỏ sự quan tâm đến việc thúc đẩy việc triển khai 4 chương trình phát triển của thành phố. Ông mong muốn TP.HCM được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình và giới trẻ giữ gìn được những bản sắc văn hóa.
Tại buổi vận động bầu cử, ứng viên Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cam kết nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, bà sẽ nghiên cứu, đưa ra các chính sách, giải pháp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong đó, phụ nữ có quyền học tập, lao động bình đẳng và trẻ nhỏ có cơ hội được học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Ứng viên Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhắc tới việc phát triển đội ngũ quản trị y tế trong chương trình hành động của mình. Phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mong muốn đào tạo một thế hệ quản trị y khoa có năng lực toàn diện, phù hợp với nhu cầu công việc hơn.
Theo danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV của TP.HCM, 50 ứng viên sẽ được cử tri tại 10 đơn vị bầu ra 30 đại biểu. Trong số các ứng viên, có 13 người do Trung ương giới thiệu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là ứng viên ở đơn vị số 10 gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn. Đơn vị này còn 4 ứng viên khác gồm bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng phụ trách điều hành Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ông Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM và ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Bên cạnh việc bầu ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XV, cử tri trên địa bàn sẽ bầu ra 95 đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.